Archives Tháng Mười Một 2015

Kết nối nhà sản xuất – bản lẻ trong Ngày mua sắm trực tuyến 2015

vnexpress logo

Kế hoạch xây dựng liên minh giữa nhà sản xuất, bán lẻ và các doanh nghiệp hạ tầng thương mại điện tử đã được đề ra.

Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin – Vecita (Bộ Công Thương) phối hợp với Intel Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo “Kết nối nhà bán lẻ và nhà sản xuất trong ngày mua sắm trực tuyến 2015”. Đây là sự kiện quan trọng trước Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày Thứ sáu đầu tiên của tháng 12 tới.

Trong nhiều nội dung được đề cập, đáng chú ý là kế hoạch xây dựng một liên minh giữa nhà sản xuất, nhà bán lẻ và các doanh nghiệp phát triển hạ tầng cho thương mại điện tử đã được các đại biểu đề cập. Theo Vecita, việc kết nối giữa các nhà sản xuất và nhà bán lẻ không chỉ đem nhiều lợi ích cho người tiêu dùng mà còn góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử Việt Nam phát triển bền vững.

Quan tâm đến hiệu quả mối liên kết trong sự kiến sắp tới, ông Trần Đức Trung – Tổng Giám đốc Intel Việt Nam cho rằng nhà bán lẻ cần có những chiến lược truyền thông rõ ràng và kế hoạch chuẩn bị chu đáo, khi đó các nhà sản xuất sẽ sẵn sàng tham gia, phối hợp để đưa các sản phẩm chất lượng với mức giá hấp dẫn đến tay khách hàng.

Với kinh nghiệm là đối tác trực tiếp của nhiều nhà sản xuất, đại diện Lazada Việt Nam đã cho biết khuyến mãi hấp dẫn và chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng là một trong các tiêu chí quan trọng nhất để Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam cuối năm có thể thành công.

Cùng đó, một số trao đổi lãnh đạo của doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ thương mại điện tử như: Haravan, Cốc Cốc, Carmudi cũng giúp nhiều doanh nghiệp tham gia có được các công cụ kinh doanh trực tuyến, ứng dụng thiết bị di động thông minh thời gian tới.

Trịnh Nguyên

Thói quen dùng tiền mặt cản trở thương mại điện tử Việt Nam

vnexpress logo

Việc các công ty mới tập trung vào thị trường trong nước cũng khiến việc mua hàng qua mạng ở Việt Nam gặp khó khăn.

Những nhận định nêu trên được chia sẻ bởi Cục trưởng Cục Chính sách Thương mại và Thông tin Nhật Bản –  Shinji Kakuno. Theo vị này, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam đang tăng trưởng mạnh về thương mại điện tử nhờ cơ sở hạ tầng phát triển tốt. Tuy nhiên, lĩnh vực này tại khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn vướng một số khó khăn về thanh toán điện tử, chi phí logistics (dịch vụ hậu cần), thói quen mua sắm…

“Nếu muốn hướng đến giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới, thói quen dùng tiền mặt để thanh toán khi mua hàng qua mạng ở Việt Nam sẽ trở thành một trở ngại lớn”, ông chia sẻ nhận định tại hội thảo về thương mại điện tử xuyên biên giới giữa Việt Nam và Nhật Bản vừa diễn ra tại TP HCM.

thoi-quen-dung-tien-mat-can-tro-thuong-mai-dien-tu-viet-nam

Thói quen thanh toán vẫn là trở ngại với thương mại điện tử Việt Nam. Ảnh: Reuters

Đại diện một công ty Nhật Bản tham gia hội thảo cho biết kinh doanh thương mại điện tử tại xứ mặt trời mọc là hoạt động hai chiều, tức người Nhật Bản mua hàng từ nước ngoài và ngược lại, người nước ngoài cũng mua hàng từ Nhật Bản. “Trong khi đó, các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam chủ yếu tập trung vào thị trường trong nước, còn người tiêu dùng quan tâm đến việc mua ở các website bán hàng xuyên biên giới như Amazon, Ebay, Alibaba…”, ông Trang Thành Tín, Giám đốc phát triển sản phẩm của công ty thương mại điện tử Tiki nhận xét, cho thấy sự khác biệt giữa doanh nghiệp Việt Nam và đơn vị ngoại.

Tại hội thảo, một số doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam cho rằng để hình thành các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới cần giải quyết nhiều vấn đề như chính sách giải quyết tranh chấp trong giao dịch thương mại điện tử, thanh toán, chi phí giao nhận hàng hoá…

Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (VECITA, Bộ Công Thương) nhận định việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào đầu năm 2016 sẽ mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh cho ngành với các quốc gia trong khu vực. “Việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương cũng mang lại cơ hội phát triển giao thương cho kinh tế Việt Nam và ngành thương mại điện tử”, lãnh đạo Cục đánh giá.

Theo ông lĩnh vực này của Việt Nam đang có chiều hướng phát triển tốt, trong số 40 triệu người sử dụng Internet thì có đến 58% người từng mua sắm trực tuyến. “Ước tính trong năm 2015 doanh thu thị trường thương mại điện tử trong nước đạt khoảng 4 tỷ USD”, ông nói.

Hội thảo quốc tế với chủ đề “Xu hướng và cơ hội của thương mại điện tử xuyên biên giới” do VECITA cùng Cục Chính sách Thương mại và Thông tin thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tổ chức cung cấp thông tin về mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới trên thế giới cũng như tại Nhật Bản. Một số bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã được chia sẻ tại chương trình.

Kỳ Duyên

Kỹ sư công nghệ thông tin bán hoa tươi kiếm 900 triệu mỗi tháng

vnexpress logo
Chỉ với hai nhân viên làm việc tại văn phòng nhỏ trong một con hẻm ở TP HCM, nhưng mô hình khởi nghiệp của Phạm Hoàng Thái Dương đã được Google chọn để giới thiệu rộng rãi.

Chọn lĩnh vực giáo dục để khởi nghiệp ngay sau khi ra trường và đạt được khá nhiều thành công, nhưng đam mê về lập trình, Phạm Hoàng Thái Dương quyết định tặng lại mô hình này và thành lập công ty chuyên gia công phần mềm.

Sau 3 năm, công ty phát triển và cần tái cấu trúc, nhưng quá trình này đòi hỏi một lượng tiền quá lớn khiến Dương thất bại khi cạn nguồn vốn vì những phát sinh ngoài tầm kiểm soát. Với cương vị là giám đốc, Dương phải rời công ty và bán hết cổ phần với giá 0 đồng.

“Lúc đó tôi rất buồn và chán nản khi mất công ty do chính mình lập ra. Biết tin tôi phá sản, ba tôi trở bệnh, mẹ đang trong giai đoạn xạ trị ung thư nên tâm trạng tồi tệ hơn. Vì thế tôi không cho phép mình buồn lâu mà cần phải thoát nhanh ra khỏi hoàn cảnh lúc đó”, Dương tâm sự.

ky-su-cong-nghe-thong-tin-ban-hoa-tuoi-kiem-900-trieu-moi-thang

Phạm Hoàng Thái Dương bước đầu thành công với mô hình start-up mới.

Tìm hiểu về nhiều ngành kinh doanh khác nhau, Dương nhận thấy ở phân khúc thị trường điện hoa chưa có mấy doanh nghiệp đạt được khả năng cung ứng lớn. Những cửa hàng hoa thường chỉ giải quyết được bài toán làm sao bán được khoảng 50 đơn hàng mỗi ngày, nhưng số lượng lên đến hàng trăm, hàng nghìn đơn hàng thì cần cả một hệ thống phần mềm hỗ trợ.

Nghiên cứu mô hình của những công ty điện hoa lớn trên thế giới, chàng cựu kỹ sư công nghệ thông tin thấy máy tính đóng vai trò chính trong quá trình vận hành công ty, xử lý đơn hàng, phân tích dữ liệu… Nhận ra được cơ hội, Dương quyết định lập website và xây dựng hệ thống dịch vụ điện hoa với tên gọi Hoa Yêu Thương.

Với số vốn 700 USD mà người bạn cho mượn, Dương dùng để chụp hình mẫu, lập website với những chức năng tối thiểu và chính thức đưa vào vận hành từ 20/10/2010.

Ngày đầu tiên mở bán, Dương có được 12 đơn hàng online. Thừa hưởng kỹ thuật cắm hoa từ mẹ, anh tự đi mua hoa rồi cắm và đi giao hàng cho khách. Mỗi đơn hàng bán được anh thu về 100.000 đồng.

“Lúc khởi nghiệp, gia đình và bạn bè phản đối vì không tin ngành hoa có thể phát triển được và tôi không phù hợp vì xuất thân là dân kỹ thuật”, chàng trai sinh năm 1981 chia sẻ. Mặc dù phòng trọ chính là văn phòng và là nơi cắm hoa nhưng ngày đầu tiên có được số lượng đơn hàng như vậy, anh cảm thấy có động lực để tiếp tục công việc của mình.

Tưởng chừng mọi việc bắt đầu thuận lợi, nhưng sau ngày lễ, lượng đơn hàng bắt đầu ít dần, mỗi ngày chỉ có vài đơn hàng lẻ tẻ. Để duy trì công ty, Dương phải đi kiếm tiền bằng cách sử dụng chính kinh nghiệm và công nghệ đang dùng cho công ty để tư vấn, đồng thời triển khai thương mại điện tử cho các doanh nghiệp khác.

Công việc kiếm thêm đó không ngờ đem về 1,5 tỷ đồng trong ba năm cho Dương, giúp anh có tài chính để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu. Dương luôn cố gắng duy trì hoạt động bán hoa để thử nghiệm trên chính những phần mềm do anh và nhóm cùng viết để xây dựng một dịch vụ điện hoa chuyên nghiệp.

“Công nghệ này giúp xử lý một cách thông minh nhất về quy trình của một đơn hàng, tính toán chính xác thời gian, quãng đường đi để giao hoa đúng giờ, số nguyên vật liệu cần nhập… Không có phần mềm, nhân viên giữa các bộ phận rất khó quản lý được quy trình làm việc và tránh được những sai sót”, Dương nói và cho biết thêm vẫn nhớ như in những khó khăn của thời gian đầu khởi nghiệp với hoa. Tất cả mọi khâu từ cắm hoa, giao hoa, thiết kế website… đều do một mình anh phụ trách. Dương không thể nhớ rõ bao nhiêu lần bị đuổi khỏi phòng trọ vì không có tiền đóng. Tết 2014, vì nợ hơn 300 triệu đồng khi mở cửa hàng hoa, công ty bị buộc đóng cửa vì không còn tiền đóng thuế, hơn chục đơn vị, cá nhân liên tục đòi nợ… Từ điện thoại, xe, máy ảnh để chụp mẫu hoa,  Dương đều phải ký gửi ở tiệm cầm đồ để có tiền trang trải qua ngày.

Dù chỉ với hai nhân viên làm việc tại một văn phòng nhỏ trong hẻm, nhưng mô hình khởi nghiệp của Phạm Hoàng Thái Dương đã được Google chọn quay video để giới thiệu với các doanh nghiệp trong nước và khu vực khi ứng dụng thành công Mạng hiển thị Google (Google Display Network). Mô hình của anh cũng được quỹ đầu tư, các đơn vị truyền thông chọn là một trong 5 công ty được vinh danh về khởi nghiệp. Đây chính là động lực để Dương và nhóm tin tưởng vào con đường mình đã chọn.

Để có được những mẫu hoa đẹp, cứ ba tháng Dương lại tổ chức một cuộc thi cắm hoa cho nhân viên để tìm kiếm những mẫu thiết kế mới. Hơn 345 mẫu hoa xuất hiện trên website do Dương và nhân viên tự thiết kế. Mẫu hoa không phù hợp, không bán được liên tục được thay. Anh chú trọng không dùng hoa ngoại nhập để kích thích sự phát triển thị trường hoa trong nước.

Trong dịp 20/10 vừa qua, công ty Dương cung cấp ra thị trường 350 đơn hàng. Hiện nay công ty và cửa hàng hoa tươi của chàng trai quê Lâm Đồng thu về hơn 900 triệu đồng mỗi tháng. Cửa hàng hoa với diện tích 35m2 hiện đã quá tải, và công ty thường phải ngưng nhận thêm đơn hàng vào các ngày cao điểm.

Với nguồn dữ liệu được tích lũy trong 5 năm kết hợp với yếu tố phong thủy, thời tiết, thông tin khách hàng…, hệ thống BI (Business Intelligent) do Dương viết có thể dự báo số đơn hàng bán ra để có thể chuẩn bị đủ lượng hoa, bố trí nhân sự cho những ngày được dự báo nhiều đơn hàng.

“Thị trường hoa của Việt Nam trong tương lai gần có giá trị trên một tỷ đôla. Với thị trường tiềm năng này, công ty tôi đang kêu gọi vốn để tái đầu tư, nâng cấp và có tham vọng xây dựng hệ thống sinh thái cho ngành hoa tươi Việt Nam với khát khao trong 5 năm nữa, Việt Nam trở thành một trong năm nước có ngành công nghiệp hoa phát triển và có tên trên bản đồ hoa thế giới”, chàng trai 8x chia sẻ.

Diễm Phạm

Chính thức công bố toàn văn hiệp định TPP

Một tháng sau khi vòng đàm phán TPP kết thúc, toàn văn hiệp định này bằng tiếng Anh đã được công bố…

Chính thức công bố toàn văn hiệp định TPP

Sau khi công bố toàn văn hiệp định, các nước thuộc TPP sẽ nhanh chóng hoàn tất thủ tục rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết

Theo thông lệ đàm phán thương mại quốc tế, một hiệp định sẽ chỉ được công bố sau khi các bên tham gia đàm phán đã hoàn tất thủ tục rà soát pháp lý. 

Tuy nhiên, trước nhu cầu tìm hiểu thông tin rất lớn của người dân và doanh nghiệp, các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã quyết định công bố toàn văn hiệp định TPP mặc dù thủ tục rà soát pháp lý vẫn chưa hoàn tất.

Các nước TPP đã thống nhất giao New Zealand (nước được giao nhiệm vụ lưu chiểu văn kiện của hiệp định) công bố toàn văn hiệp định TPP vào chiều ngày 5/11/2015 (giờ Hà Nội).

Về phía Việt Nam, theo Bộ Công Thương, do quá trình rà soát pháp lý vẫn đang tiếp tục nên bản công bố lần này chưa phải là bản cuối cùng. 

Bản cuối cùng có thể sẽ có một số thay đổi nhưng chỉ là các chỉnh sửa về mặt kỹ thuật, không ảnh hưởng đến nội dung cam kết.

Bộ Công Thương cũng cho biết, do các nước TPP vẫn đang tiến hành thủ tục rà soát pháp lý, khối lượng tài liệu phải biên dịch lại rất lớn nên Bộ Công Thương và các bộ, ngành chưa thể công bố kèm theo bản dịch tiếng Việt của hiệp định.

Sau khi công bố toàn văn hiệp định, các nước TPP sẽ nhanh chóng hoàn tất thủ tục rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết.

Mỗi nước, theo quy định của pháp luật nước mình, sẽ dành thời gian nhất định để người dân nghiên cứu hiệp định trước khi ký kết, dao động từ 60 đến 90 ngày. 

Sau khoảng thời gian này, các nước TPP sẽ tiến hành ký kết chính thức.

Thời điểm ký kết chính thức hiệp định hiện chưa được xác định nhưng dự kiến sẽ không muộn hơn quý 1/2016. Sau khi ký chính thức, các nước sẽ tiến hành thủ tục phê chuẩn hiệp định theo quy định của pháp luật nước mình.

Ngay sau khi văn bản của TPP được công bố, đã có một số ý kiến chỉ trích về nội dung của TPP. 

Cụ thể, theo ý kiến của một số học giả người Australia được tờ Sydney Morning Herald trích đăng, TPP là một “cơn ác mộng” của các nhà hoạt động vì môi trường, bởi đã không đề cập một dòng nào đến biến đổi khí hậu, đồng thời cơ chế phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường cũng được đánh giá là không đủ mạnh.

https://admarket.admicro.vn/images/logo_slide/vneconomy.jpg

Gần 360 nghìn tỷ đồng cho vay bất động sản

Con số này được đưa ra trước quan ngại vốn ngân hàng lại nhồi mạnh vào bất động sản…

Gần 360 nghìn tỷ đồng cho vay bất động sản

Dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản tập trung lớn nhất vào phân khúc xây dựng, sửa chữa, mua nhà, xây dựng đô thị (chiếm trên 60%).

Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) vừa công bố những dữ liệu cần thiết để xác định diễn biến và quy mô nguồn vốn ngân hàng cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản liên tục có sự tăng trưởng trong thời gian qua (năm 2012 là 14%, năm 2013 là 14,7%, năm 2014 đạt 15,2%), tuy nhiên xét về tỷ trọng thì tăng không nhiều.

Tốc độ tăng trưởng cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2015 đạt 14,59% (cao hơn khoảng 2,5% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung 9 tháng đầu năm 2015).

Dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản đến cuối tháng 9/2015 chiếm tỷ trọng 8,05% tổng dư nợ tín dụng, so với cùng kỳ năm 2014 thì mức tăng không đáng kể (9 tháng đầu năm 2014 tăng trưởng 11,85%, tỷ trọng 7,86%).

Với tỷ trọng trên, tính theo tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tính đến tháng 9/2015 với 4.451.893 tỷ đồng, thì con số dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản tương ứng là 358.377 tỷ đồng.

Cũng theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản tập trung lớn nhất vào phân khúc xây dựng, sửa chữa, mua nhà, xây dựng đô thị (chiếm trên 60%).

Còn theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến ngày 20/9/2015, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 59.395 tỷ đồng (giảm 53,8% so với quý 1/2013).

https://admarket.admicro.vn/images/logo_slide/vneconomy.jpg

Thu nhập 700 – 900 nghìn đồng/tháng là người nghèo

Mức chuẩn nghèo là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành quyết định về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020, thay thế cho chuẩn nghèo 2011 – 2015, trong đó quy định rõ các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều, chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình áp dụng cho giai đoạn 2

Thu nhập 700 - 900 nghìn đồng/tháng là người nghèoQuy định cũ đối với chuẩn nghèo là mức thu nhập 400 – 500 nghìn đồng/người/tháng.

Theo đó, các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020 gồm tiêu chí về thu nhập, mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.

Với tiêu chí về thu nhập, quyết định quy định chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng (quy định cũ là 400.000 đồng/người/tháng); ở khu vực thành thị 900.000 đồng/người/tháng (quy định cũ là 500.000 đồng/người/tháng). 

Quy định chuẩn cận nghèo ở khu vực nông thôn là 1.000.000 đồng/người/tháng; ở khu vực thành thị 1.300.000 đồng/người/tháng.

Về tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, quyết định nêu rõ, các dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm 5 dịch vụ: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.

Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 10 chỉ số: tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.

Quyết định cũng quy định rõ chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020. 

Cụ thể, hộ nghèo khu vực nông thôn là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau:

– Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống.

– Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Hộ nghèo khu vực thành thị là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau:

– Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống.

– Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Hộ cận nghèo khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Hộ cận nghèo khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Hộ có mức sống trung bình ở khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng. Hộ có mức sống trung bình ở khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.300.000 đồng đến 1.950.000 đồng.

Mức chuẩn nghèo trên là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội; hoạch định các chính sách kinh tế – xã hội khác trong giai đoạn 2016 – 2020.

https://admarket.admicro.vn/images/logo_slide/vneconomy.jpg